Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 27/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế
Sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu và có sự phát triển vượt bậc, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2023 của thành phố Phú Quốc đạt 19,6%/năm; tăng trưởng du lịch giai đoạn 2011 - 2023 đạt trên 38%/năm (gấp 6 lần bình quân chung cả nước); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 310 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 19,1 nghìn tỷ đồng năm 2023. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phát triển tương đối đồng bộ cả về cảng hàng không, cảng biển và đường bộ.
Thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng, từ một địa phương không có dự án đầu tư nào năm 2004 thì đến năm 2023 tăng lên 321 dự án với tổng vốn đầu tư 412 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án đầu tư có các sản phẩm chất lượng cao, mang tầm khu vực và quốc tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt trên 21,6 nghìn tỷ đồng, gấp 64 lần năm 2004. Đến năm 2023, Phú Quốc có trên 4,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số doanh nghiệp và tăng gần 400 lần về số vốn đăng ký so với năm 2004. Huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố, đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang từ năm 2020.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Phú Quốc vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phú Quốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đang phát triển nóng, nhiều yếu tố thiếu bền vững như nước sạch, điện, sóng viễn thông, vệ sinh môi trường, trong đó chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải, nước thải phù hợp quy mô dân số,...
Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ; hạ tầng chuyển đổi số còn khó khăn. Các cơ chế, chính sách dành cho Phú Quốc chưa mang tính đột phá, vượt trội để tạo sự bứt phá và lợi thế cạnh tranh với các vùng, địa phương trong nước và khu vực, quốc tế.... Cơ chế, chính sách thu hút, huy động và sử dụng các nguồn lực chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái
Định hướng phát triển trong thời gian tới, xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là thành phố thông minh, hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và đáng sống; phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hóa.
Khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc lên tầm cao mới. Ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...).
Phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; có cơ chế, chính sách phù hợp với lòng dân, huy động sức mạnh của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ.